Tìm kiếm tin tức
Giới thiệu về Vinh Hiền
Ngày cập nhật 02/11/2018

       1. Vị trí địa lý

- Vinh Hiền là xã ven biển và đầm phá, là một trong 5 xã Khu 3, thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Vinh Hiền ở vào 16020’10’’ đến 16022’15’’ vĩ độ Bắc và từ 107052’50’’ đến 107056’46’’ kinh độ Đông.

- Phía Bắc và phía Đông giáp biển Đông.

- Phía Nam giáp đầm Cầu Hai.

- Phía Tây giáp hai xã Vinh Giang và Vinh Hải.

- Vinh Hiền nằm cách trung tâm huyện Phú Lộc khoảng 10 km đường chim bay theo hướng Đông Bắc, cách thành phố Huế khoảng 40 km theo hướng Đông. Nam.

- Là một trong những xã có lịch sử hình thành lâu đời của huyện Phú Lộc, là một địa bàn có vị trí địa - chính trị quan trọng trên dãi đất liên xã dọc quốc lộ 49B.

2. Đặc điểm tự nhiên

a. Địa hình:

Địa hình Vinh Hiền thấp, có độ dốc , thấp dần từ Tây sang Đông, nằm trải dọc theo biển Đông và đầm Cầu Hai.

b. Khí hậu:

Vinh Hiền nằm trong khu vực nhiệt đối gió mùa của vùng duyên hải Trung Trung Bộ, chịu ảnh hưởng rõ rệt của hỗn hợp khí hậu biển và lục địa.

Nhiệt độ trung bình hằng năm của Vinh Hiền vào khoảng 24- 250C.Số giờ nắng trung bình từ 1800- 2000 giờ nắng, cao nhất từ tháng 5 đến tháng 7.

Chế độ mưa tương đối lớn, lượng mưa trung bình là 2880mm/năm.Độ ẩm trung bình là 84%.

c. Sông ngòi:

Là xã ven biển và đầm phá nên hệ thống kênh, hói ở Vinh Hiền chỉ phát triển vào mùa mưa, chủ yếu tiếp nhận nguồn nước mặt từ núi Túy Vân, núi Linh Thái, các gò cát cao trong vùng đổ xuống để chảy ra đầm Cầu Hai.

d. Đất đai - thổ nhưỡng:

Tổng diện tích tự nhiên của xã Vinh Hiền là 2.179,05 ha. Trong đó, diện tích đất ở: 60,75 ha, đất sản xuất: 378,52 ha, đất lâm nghiệp: 70,81 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản: 67,62 ha, diện tích mặt nước: 1.547,44 ha. (năm 2017)

Vùng đất Vinh Hiền do biển thoái mà thành. Đất đai chủ yếu là đất cát nội đồng và đất có dạng bồi tụ trên cát, được chia làm hai loại chính.

Loại thứ nhất là nhóm đất cát do có tầng đất dày, bao gồm các loại đất cát nội đồng, đất cát bãi bằng nội đồng, đất cát vùng trũng… chủ yếu dùng làm đất ở, trồng lúa, màu và cây công nghiệp ngắn ngày.

Loại thứ hai là nhóm đất nhiễm mặn ven đầm Cầu Hai, chủ yếu dùng để nuôi trồng thủy sản, một phần nhỏ dùng làm đất ở.

e. Hệ sinh thái:

Hệ sinh thái ở Vinh Hiền khá đa dạng, bao gồm hệ sinh thái biển, đầm phá và đất liền.

Về động vật, có các loài thú nhỏ như chồn, sóc, nhiều loại chim như le le, ác là, bìm bịp… Ở đầm Cầu Hai có nhiều loại cá ngon như cá Kình, cá Mú, cá Liệt, cá Hanh, cá Vẫu, cá Dìa… và nhiều loại tôm cua, rong, tảo. Ở biển với nhiều loại cá như cá Cu, cá Cam, cá Chim, cá Ngứa, cá Bớp… và nhiều loại mực khác nhau.

Về thực vật, có nhiều cây dược liệu quý được người dân dùng làm thuốc nam, các cây gỗ có giá trị như thông, mít nài, rỏi, xoài… ở khu vực núi Túy Vân và Linh Thái.

3. Dân cư, hành chính

Vinh Hiền có 2.463 hộ gia đình, gồm 10.047 khẩu ( năm 2017).

Thành phần cư dân khá thuần nhất, dân tộc Kinh chiếm đại đa số, chỉ có 01 hộ là dân tộc Hoa.

Đa số người dân Vinh Hiền theo tín ngưỡng thờ cúng dân gian, một số theo Phật giáo và số ít theo Thiên chúa giáo.

Về mặt tổ chức hành chính địa phương, xã Vinh Hiền có 7 thôn: Hiền An 1, Hiền An 2, Hiền Hòa 1, Hiền Hòa 2, Hiền Vân 1, Hiền Vân 2 và Đông Dương.

4. Lịch sử hình thành

Trước thời kỳ Nam tiến của dân tộc (khoảng thế kỷ XIV trở về trước), Vinh Hiền là địa bàn sinh sống của người Champa. Nhiều dấu tích văn hóa Champa vẫn còn lưu giữ cho đến tận ngày nay như phế tích tháp Champa trên núi Linh Thái, phù điêu Champa ở chùa làng Hải Triều (làng Phụ An)… Về sau, cùng với sự suy yêu của vương triều Champa, đặc biệt sau cuộc hôn nhân giữa công chúa Đại Việt là Huyền Trân và vua Champa là Chế Mân (năm 1306) thì người Champa lùi dần vào phía Nam. Từ đó, các thế hệ người Việt bắt đầu di cư dần vào Nam, chung lung đấu cật, mở mang vùng đất mới, trong đó có vùng đất Vinh Hiền.

Tiếp đến là những đợt di dân dưới thời vua Lê Thánh Tông (sau năm 1471) và nhiều nhất là đợt theo chúa Nguyễn Hoàng vào Nam (năm 1558), đã góp phần tạo nên cộng đồng dân cư Vinh Hiền nói riêng và vùng Khu 3, Phú Lộc nói chung.

Mặc dù có khác nhau về nguyên quán hay thời gian di cư, nhưng tất cả cư dân đều mang trong mình một vốn liếng chung, đó là giá trị truyền thống, tinh hoa tốt đẹp của dân tộc, của văn hóa Đại Việt được hun đúc và củng cố từ hàng ngàn năm trước. Do vậy, khi đặt chân tới vùng đất mới, tất cả họ đã nhanh chóng hòa đồng để cùng sinh tồn và phát triển. Bên cạnh các truyền thống đoàn kết, vị tha, nhân dân xã nhà còn là những người nhẫn nại, cần cù, chịu khó thông minh, sáng tạo trong lao động, anh dung, bất khuất trong đấu tranh chống ngoại xâm. Người Vinh Hiền sống gần gũi với thiên nhiên, tính tình cởi mở, chất phác, giản dị, trọng tình bằng hữu và nặng nghĩa họ tộc, xóm làng.

Về nguồn gốc thì phần lớn dân cư Vinh Hiền có nguồn gốc ở vùng Thanh- Nghệ- Tĩnh. Tổ tiên của những người Vinh Hiền đến đây trong những đợt di dân, khai hoang, lập ấp và một bộ phận lẩn tránh trước sự đàn áp, bóc lột của chính quyền phong kiến đương thời.

Về mặt hành chính, cho đến trước Cách mạng tháng Tám 1945, địa bàn xã Vinh Hiền thuộc tổng Diêm Trường, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt tên mới cho một số địa phương của huyện Phú Lộc. Khi này, xã Vinh Hiền có tên là xã Đại Hiền.

Đến tháng 8 năm 1948, do yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cho nên xã Đại Hiền (Vinh Hiền) và Đại Đồng (Vinh Giang) hợp thành xã Thế Lộc. Xã Thế Lộc (1948- 19454) gồm các xã Vinh Hiền, Vinh Hải, Vinh Giang ngày nay.

Sau năm 1954, đất nước tạm thời chia cắt hai miền Bắc- Nam vĩ tuyến 17. Vinh Hiền thuộc chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam. Năm 1958, chính quyền Việt Nam Cộng hòa chia xã Thế Lộc thành 3 xã với các tên gọi mới: Vinh Hiền, Vinh Giang, Vinh Hải. Danh xưng Vinh Hiền xuất hiện từ thời gian đó.Lúc này, về mặt hành chính, xã Vinh Hiền thuộc quận Vinh Lộc, tỉnh Thừa Thiên.

Năm 1975, đất nước thống nhất. Sau đó 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên được nhập lại thành tỉnh Bình Trị Thiên và Vinh Hiền thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Bình Trị Thiên.

Ngày 30 tháng 6 năm 1989, tại kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa VIII của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyết định tách tỉnh Bình Trị Thiên ra làm ba tỉnh như cũ. Tỉnh Thừa Thiên mang tên gọi mới là tỉnh Thừa Thiên Huế.Từ đó đến nay, xã Vinh Hiền thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

5. Danh thắng

a. Núi Linh Thái

Núi Linh Thái nằm phía Bắc xã Vinh Hiền, có dáng như con rùa quay đầu ra hướng Bắc nên dân gian gọi là Quy Sơn hay núi Rùa hoặc độn Rùa.

Năm 1836, vua Minh Mạng đặt tên núi là Linh Thái. Ngoài ra, núi Linh Thái còn có các tên khác: Hoài Vịnh, Lệnh Sơn…

Với địa thế đẹp, núi non hùng tráng, hòa sắc cùng trời biển bao la, Linh Thái từng là vùng đất thiêng của người Champa. Người Champa từng xây các công trình trên núi Linh Thái để thờ tự theo tín ngưỡng của họ.

Sau này, khi thuộc về Đại Việt, ở núi Linh Thái cũng được xây dựng nhiều công trình như chùa Hoà Vinh (Vinh Hoà, Vĩnh Hòa) và Thiền Tĩnh Viện (Quy Kính Thiền Viện) thời chúa Nguyễn Phúc Tần; đài Phong Hỏa đầu đời vua Gia Long; chùa Trấn Hải, lầu Vọng Hải thời vua Minh Mạng.

Hiện nay ở núi Linh Thái còn lưu giữ nhiều phế tích các công trình ngày xưa của hai tộc người, hai nền văn hóa Việt và Champa.

Đứng lại đỉnh núi Linh Thái, thật sự ngỡ ngàng trước địa thế đặc biệt của ngọn núi này, với đủ trời nước, núi mây, tạo cảnh trí của một hòn non bộ vừa tĩnh mặc, vừa trầm hùng giữa phong vân cùng hòa âm với biển cả. Chính vị trí đặc biệt như vậy nên từ lâu cùng với núi Túy Vân, núi Linh Thái trở thành thắng cảnh nổi tiếng “tứ khí hiển linh”, đồng thời là nơi “chân như thắng tích” thu hút mặc khách, tao nhân.

b. Núi Túy Vân

Túy vân là ngọn núi nhỏ, cao khoảng 47 mét, có dạng như con chim Phụng đang tung cánh về phía Nam, ra hướng đầm Cầu Hai. Núi Túy Vân thuộc chi nhánh Hải Vân, sơn hệ Trường Sơn chạy ra tận biển cho nên cảnh trí ở đây có đủ mây trời, núi, nước…rất nên thơ trữ tình, tạo cảnh “sơn thủy” mà người Á Đông rất thích.

Tên gọi đúng của núi Túy Vân là Thúy Vân nhưng do cách gọi dân gian nên thường hay gọi là Túy Vân.

Tên gọi Thúy Vân mà dân gian hay gọi là Túy Vân được vua Thiệu Trị cho đổi vào năm 1841. Trước đó núi Túy Vân có tên là Mỹ Am Sơn, Thúy Hoa Sơn…

Tại núi Túy Vân có nhiều công trình mang đậm phong cách, nghệ thuật kiến trúc thời nhà Nguyễn như chùa Thánh Duyên, gác Đại Từ, tháp Điều Ngự, đình Tiến Sản… Đặc biệt, chùa Thánh Duyên là một trong những ngôi quốc tự, cổ tự của Thừa Thiên Huế, là nơi lưu giữ khá nhiều bộ tượng quý hiếm của Việt Nam.

c. Đầm Cầu Hai- cửa biển Tư Hiền

Đầm Cầu Hai và cửa biển Tư Hiền là một danh thắng với vẻ đẹp sông nước đồng thời là một địa danh lịch sử chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của đất nước.

6. Thế mạnh

Vinh Hiền là xã ven biển và đầm phá cùng với những danh thắng, di tích lịch sử ở núi Linh Thái, Túy Vân nên có lợi thế trong việc phát triển du lịch, dịch vụ. Biển Đông Dương, biển Hàm Rồng, núi Túy Vân, núi Linh Thái, đầm Cầu Hai, cửa biển Tư Hiền… sẽ là những nơi thu hút du khách tham quan, khám phá và trải nghiệm.

Trong những năm gần đây, khi hệ thông giao thông đường sá, cầu cống được hoàn thiện đã góp phần thúc đẩy ngành du lịch, dịch vụ ở Vinh Hiền phát triển, kết nối Vinh Hiền với nhiều địa phương khác trong huyện và tỉnh, tạo ra một diện mạo mới cho Vinh Hiền khi bước vào giai đoạn Nông thôn mới.

Ngoài ra, với việc giáp biển và đầm phá, đã tạo điều kiện thuận lợi để Vinh Hiền phát triển ngành nghề nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản. Thực tế, sản lượng thủy sản do nuôi trồng và đánh bắt được ở Vinh Hiền luôn cao hơn so với nhiều địa phương khác ở trong vùng. Bên cạnh đó, các ngành nghề chế biến nước mắm, làm mắm cá, mắm tôm, mắm hàu, tôm chua… cũng phát triển và tạo ra thương hiệu ở một số nơi.

Với truyền thống cần cù lao động, với kinh nghiệm sản xuất của người dân cùng với những lợi thế về mặt tự nhiên - văn hóa, kỳ vọng sẽ giúp Vinh Hiền ngày càng phát triển, sẽ là một trong những trung tâm kinh tế- văn hóa lớn của vùng Khu 3 nói riêng và huyện Phú Lộc nói chung.

UBND xã Vinh Hiền
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.005
Truy cập hiện tại 340