Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam, giấy xác nhận là người gốc Việt Nam
Ngày cập nhật 03/04/2024
Theo quy định pháp luật, người Việt Nam định cư ở nước ngoài[1] có những quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, như: người Việt Nam định cư ở nước ngoài có đủ điều kiện theo quy định của Luật Nhà ở được sở hữu nhà ở tại Việt Nam (Điều 7, 8 Luật Nhà ở năm 2014), Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam (khoản 1 Điều 186 Luật Đất đai năm 2013),… Để được hưởng các quyền lợi theo quy định thì phải có giấy tờ chứng minh người Việt Nam định cư ở nước ngoài, một trong các giấy tờ để chứng minh là giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam, giấy xác nhận là người gốc Việt Nam. Việc cấp các Giấy này được quy định tại Nghị định số 16/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam.

[1] Khoản 3 Điều 3 Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

 1. Cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam (Điều 30, 31 Nghị định số 16/2020/NĐ-CP)

- Thẩm quyền cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam: Sở Tư pháp nơi người đó cư trú ở trong nước hoặc Cơ quan đại diện, nơi người đó cư trú ở nước ngoài vào thời điểm nộp hồ sơ.

- Hồ sơ đề nghị cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam: Người yêu cầu cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam lập 01 bộ hồ sơ, gồm Tờ khai theo mẫu quy định, kèm 2 ảnh 4x6 chụp chưa quá 6 tháng và bản sao các giấy tờ sau đây:

+ Giấy tờ về nhân thân của người đó như Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, giấy tờ cư trú, thẻ tạm trú, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hoặc giấy tờ xác nhận về nhân thân có dán ảnh do cơ quan có thẩm quyền cấp;

+ Giấy tờ có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam[1] hoặc giấy tờ tương tự do chính quyền cũ trước đây cấp, kể cả Giấy khai sinh trong đó không có mục quốc tịch hoặc mục quốc tịch bỏ trống nhưng trên đó ghi họ tên Việt Nam của người yêu cầu và cha, mẹ của người đó;

+ Trong trường hợp không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam trên đây, người yêu cầu phải lập bản khai lý lịch, kèm theo một trong các giấy tờ làm cơ sở để xác định quốc tịch Việt Nam[2] để làm cơ sở xác minh quốc tịch Việt Nam.

- Trình tự kiểm tra, xác minh, tra cứu quốc tịch Việt Nam được thực hiện trong hai trường hợp như sau:

Một là, đối với trường hợp có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, nếu hồ sơ được nộp tại Sở Tư pháp thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Sở Tư pháp kiểm tra hồ sơ, trực tiếp tra cứu hoặc có văn bản đề nghị Bộ Tư pháp tra cứu quốc tịch Việt Nam; trong thời hạn 10 ngày làm việc Bộ Tư pháp tiến hành tra cứu và có văn bản trả lời Sở Tư pháp. Nếu có nghi ngờ về tính xác thực của giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam thì Sở Tư pháp yêu cầu cơ quan đã cấp giấy tờ đó xác minh; trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Sở Tư pháp, cơ quan đã cấp giấy tờ đó tiến hành xác minh và có văn bản trả lời Sở Tư pháp.

Trường hợp nộp hồ sơ tại Cơ quan đại diện thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Cơ quan đại diện kiểm tra hồ sơ, trực tiếp tra cứu hoặc có văn bản gửi Bộ Ngoại giao đề nghị Bộ Tư pháp tra cứu quốc tịch Việt Nam; trong thời hạn 10 ngày làm việc Bộ Tư pháp tiến hành tra cứu và có văn bản trả lời. Nếu nghi ngờ về tính xác thực của giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền trong nước cấp thì Cơ quan đại diện có văn bản gửi Bộ Ngoại giao để đề nghị cơ quan đã cấp giấy tờ đó xác minh; trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Bộ Ngoại giao, cơ quan nhận được yêu cầu tiến hành xác minh và có văn bản trả lời Bộ Ngoại giao. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả tra cứu, xác minh, Bộ Ngoại giao thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đại diện.

Hai là, đối với trường hợp không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, nhưng có giấy tờ làm cơ sở để xác định quốc tịch Việt Nam, nếu hồ sơ được nộp tại Sở Tư pháp thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Sở Tư pháp chủ động tra cứu hoặc đề nghị Bộ Tư pháp tra cứu quốc tịch Việt Nam, trong thời hạn 10 ngày làm việc Bộ Tư pháp tiến hành tra cứu và có văn bản trả lời Sở Tư pháp. Đồng thời, Sở Tư pháp có văn bản đề nghị cơ quan Công an cùng cấp xác minh về nhân thân của người có yêu cầu; trong thời hạn 45 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, cơ quan Công an tiến hành xác minh và có văn bản trả lời Sở Tư pháp.

Nếu hồ sơ nộp tại Cơ quan đại diện thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Cơ quan đại diện chủ động tra cứu hoặc có văn bản kèm theo bản chụp các giấy tờ, thông tin do người yêu cầu cung cấp gửi Bộ Ngoại giao đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Công an tra cứu, xác minh về nhân thân của người có yêu cầu. Trong thời hạn 10 ngày làm việc Bộ Tư pháp tiến hành tra cứu và có văn bản trả lời Bộ Ngoại giao; đối với việc xác minh và trả lời kết quả xác minh về nhân thân của Bộ Công an thì thời hạn là 45 ngày. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả tra cứu, xác minh, Bộ Ngoại giao thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đại diện.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả tra cứu, xác minh, nếu có đủ căn cứ để xác định quốc tịch Việt Nam và người đó không có tên trong danh sách được thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, cơ quan thụ lý hồ sơ ghi vào Sổ cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam; người đứng đầu cơ quan ký và cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam theo mẫu quy định cho người yêu cầu. Nếu không có cơ sở để cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam, cơ quan thụ lý hồ sơ trả lời bằng văn bản cho người yêu cầu biết.

2. Cấp giấy xác nhận là người gốc Việt Nam (Điều 32, 33 Nghị định số 16/2020/NĐ-CP)

- Thẩm quyền cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam: Sở Tư pháp hoặc Cơ quan đại diện, nơi người đó cư trú vào thời điểm nộp hồ sơ hoặc Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao.

- Hồ sơ đề nghị cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam: Người yêu cầu cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam lập 1 bộ hồ sơ, gồm Tờ khai theo mẫu quy định, kèm 2 ảnh 4x6 chụp chưa quá 6 tháng và bản sao các giấy tờ sau đây:

+ Giấy tờ về nhân thân của người đó như Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, giấy tờ cư trú, thẻ tạm trú, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế hoặc giấy tờ xác nhận về nhân thân có dán ảnh do cơ quan có thẩm quyền cấp;

+ Giấy tờ được cấp trước đây để chứng minh người đó đã từng có quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ để chứng minh khi sinh ra người đó có cha mẹ hoặc ông bà nội, ông bà ngoại đã từng có quốc tịch Việt Nam. Trường hợp không có bất kỳ giấy tờ nào nêu trên thì tùy từng hoàn cảnh cụ thể, có thể nộp bản sao giấy tờ về nhân thân, quốc tịch, hộ tịch do chế độ cũ ở miền Nam cấp trước ngày 30 tháng 4 năm 1975; giấy tờ do chính quyền cũ ở Hà Nội cấp từ năm 1911 đến năm 1956; giấy bảo lãnh của Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài nơi người đó đang cư trú, trong đó xác nhận người đó có gốc Việt Nam; giấy bảo lãnh của người có quốc tịch Việt Nam, trong đó xác nhận người đó có gốc Việt Nam; giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp trong đó ghi quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch gốc Việt Nam.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, cơ quan thụ lý hồ sơ có trách nhiệm xem xét, kiểm tra thông tin trong hồ sơ với giấy tờ do người yêu cầu xuất trình và đối chiếu với cơ sở dữ liệu, tài liệu liên quan đến quốc tịch. Nếu thấy có đủ cơ sở để xác định người đó có nguồn gốc Việt Nam, cơ quan thụ lý hồ sơ ghi vào Sổ cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam; người đứng đầu cơ quan ký và cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam theo mẫu quy định cho người yêu cầu. Nếu không có cơ sở để cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam, cơ quan thụ lý hồ sơ thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu biết./.

 


[1] Theo quy định tại Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì một trong các giấy tờ sau đây có giá trị chứng minh người có quốc tịch Việt Nam: 1. Giấy khai sinh; trường hợp Giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ; 2. Giấy chứng minh nhân dân; 3. Hộ chiếu Việt Nam; 4. Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài, Quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.

[2] Theo quy định tại khoản 2 Điều 28 của Nghị định số 16/2020/NĐ-CP, giấy tờ làm cơ sở để xác định quốc tịch Việt Nam gồm: a) Giấy tờ về quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu, căn cước hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam qua các thời kỳ từ năm 1945 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2009, trong đó có ghi quốc tịch Việt Nam hoặc thông tin liên quan đến quốc tịch, công dân Việt Nam; b) Giấy tờ về quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu, căn cước hoặc giấy tờ khác do chế độ cũ ở miền Nam Việt Nam cấp trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 hoặc giấy tờ do chính quyền cũ ở Hà Nội cấp từ năm 1911 đến năm 1956, trong đó có ghi quốc tịch Việt Nam hoặc thông tin liên quan đến quốc tịch, công dân Việt Nam.

Thanh Thúy
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.005
Truy cập hiện tại 239