Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Tiếp bước truyền thống vẻ vang, nâng cao vị thế, vai trò công tác tuyên giáo trong tình hình mới
Ngày cập nhật 02/08/2021
Ngày 01/8/1930 đánh dấu một mốc son quan trọng trong lịch sử công tác tuyên giáo Đảng Cộng sản Việt Nam, khi Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng phát hành tài liệu tuyên truyền nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế đỏ 1/8, kêu gọi các giai cấp, tầng lớp chống chiến tranh đế quốc, ủng hộ Liên bang Xô Viết. Năm 2000, Bộ Chính trị (khóa XVIII) đã quyết định lấy ngày 1/8 là Ngày truyền thống ngành tư tưởng - văn hóa của Đảng (nay là Ngày truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng).

Công tác tư tưởng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong thời kỳ vận động thành lập Đảng, những hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào nước ta của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng với công tác giáo dục, huấn luyện cán bộ, tạo ra những hạt giống đỏ cho phong trào cách mạng chính là những hoạt động đầu tiên, đặt nền móng cho ngành tuyên giáo của Đảng. Và chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh là Người thầy vĩ đại của công tác tư tưởng. Từ nền móng ban đầu ấy, ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, công tác tư tưởng đã làm chuyển biến về chất con đường cách mạng Việt Nam, tạo ra bước ngoặt cho sự nghiệp cách mạng của nước ta, phù hợp với thực tiễn của đất nước và xu thế của thời đại. Các thế hệ cán bộ, đảng viên của Đảng đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, mang ánh sáng, niềm tin của Đảng đến với các giai cấp, tầng lớp, tạo nên nguồn sức mạnh vô cùng to lớn, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua biết bao thác ghềnh để đến bến bờ vinh quang, lập nên những dấu mốc chói lọi trong lịch sử dân tộc: Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời; tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến thần kỳ ròng rã suốt 30 năm chống thực dân, đế quốc và ngày nay, cả dân tộc ta đang vững bước trên con đường đổi mới, xây dựng đất nước Việt Nam thành một nước xã hội chủ nghĩa hùng cường. Những thành tựu vĩ đại của cách mạng nước ta luôn có phần đóng góp ban đầu và hết sức quan trọng của ngành Tuyên giáo.

Là một lĩnh vực công tác đặc biệt của Đảng, công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo có vai trò tác động đến nhận thức, ý chí, tình cảm và làm thay đổi hành động của mỗi người. Nó tạo nên sức mạnh chính trị - tinh thần cho mỗi cá nhân để vượt qua và chiến thắng nghịch cảnh, cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu, hy sinh của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vì lợi ích cao cả của Đảng, của đất nước và dân tộc. Trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền cũng như trong hai cuộc kháng chiến và công cuộc xây dựng đất nước, đổi mới để phát triển, nguồn sức mạnh chính trị - tinh thần to lớn ấy là động lực, niềm tin để các thế hệ chiến sĩ cách mạng không khuất phục trước gông cùm, ngục tù, máy chém của thực dân, đế quốc, nỗ lực vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để thực hiện mục tiêu mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Khơi dậy và phát huy ý chí, tinh thần đó, ngay trong thời điểm này, tất cả chúng ta đều cảm nhận rõ và thực sự xúc động, cảm phục khi nhiều cán bộ, chiến sĩ ngành y tế, công an, quân đội cùng các lực lượng khác chấp nhận gác lại hạnh phúc riêng tư, cuộc sống đời thường để ngày đêm trên tuyến đầu phòng, chống đại dịch Covid-19.

Là vùng đất kinh đô của đất nước dưới triều đại nhà Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng của nước ta, vào những thập niên đầu tiên của thế kỷ XX, Huế là nơi tập hợp những luồng tư tưởng với các khuynh hướng chính trị khác nhau, có nhiều giai cấp, tầng lớp khác nhau, song tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê nin đã có sức hấp dẫn, lôi cuốn rất mãnh liệt đối với nhiều thanh niên trí thức lúc bấy giờ. Hơn hai tháng, sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tháng 4/1930, Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập và là một trong những đảng bộ được thành lập sớm trong cả nước. Ngay từ khi mới ra đời, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng ở kinh đô Huế đã diễn ra rất quyết liệt giữa những người cộng sản với các khuynh hướng chính trị khác (quốc gia, cải lương...). Tiêu biểu như cuộc bút chiến trên báo chí về chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm, về "Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh"... Điều cần phải khẳng định là, cuối cùng, tư tưởng mác-xít đã chiến thắng và trở thành dòng tư tưởng chủ lưu có ảnh hưởng nhất, có sức thu hút nhất lúc bấy giờ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, công tác tư tưởng đã thâm nhập ngày càng sâu vào các tầng lớp nhân dân, góp phần tạo nên những cao trào cách mạng sôi nổi trong giai đoạn 1930 - 1945, và cùng với nhân dân cả nước, mùa thu năm 1945, nhân dân Thừa Thiên Huế đã tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, chứng kiến sự cáo chung của chế độ phong kiến cuối cùng của nước ta. Trải qua hai cuộc kháng chiến ròng rã suốt 30 năm, công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh đã trực tiếp cổ vũ, động viên tinh thần yêu nước của nhân dân tỉnh nhà, giữ vững một niềm tin sắt son với Đảng, cùng với cả dân tộc hoàn thành sự nghiệp thống nhất nước nhà, thu giang sơn về một mối. Bước vào thời kỳ mới, công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh tập trung phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với những thành tựu rất đáng ghi nhận.

Từ thực tiễn phong phú và sinh động trong suốt 91 năm qua, đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo, công tác tư tưởng của Đảng có thể rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu cũng như xác định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ rất quan trọng này. Trong bối cảnh hiện nay, công tác tuyên giáo cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao vai trò, vị thế xứng đáng với tầm quan trọng và tính chất đi trước mở đường của công tác tư tưởng, trong đó cần tập trung một số vấn đề sau đây:

1. Là nội dung liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, công tác tuyên giáo vừa phải mang tính bề rộng, vừa phải bảo đảm yêu cầu về chiều sâu. Một mặt, cần phải thấm nhuần và thực hiện cho được phương châm "công tác tư tưởng phải đi trước một bước" trong triển khai thực hiện nhiệm vụ ở tất cả các cấp, các ngành; mặt khác, công tác tuyên giáo cần thâm nhập, nhanh nhạy nắm bắt và phản ánh cho được thực tế cuộc sống, những vấn đề do thực tiễn đặt ra, từ đó tham mưu, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, khả thi phục vụ cho sự lãnh đạo của cấp ủy. Để làm tốt vấn đề này, công tác phối hợp giữa ngành tuyên giáo với các cấp, các ngành cần phải được thực hiện tốt hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa, tránh tình trạng khi có vấn đề nổi lên thì ngành tuyên giáo mới biết.

2. Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác tuyên giáo là nhiệm vụ tuyên truyền, do vậy, việc đổi mới công tác tuyên truyền là yêu cầu cần phải được ưu tiên. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, làm nhiệm vụ tuyên truyền cần phải ứng dụng hiệu quả công nghệ truyền thông, vừa bảo đảm nhanh chóng, chính xác, vừa bảo đảm tính tương tác giữa chủ thể tuyên truyền và đối tượng tuyên truyền. Phát huy tốt hơn nữa vai trò định hướng thông tin, tuyên truyền của báo chí, xuất bản. Đội ngũ làm công tác tuyên truyền (báo cáo viên, tuyên truyền viên) cần được bồi dưỡng, đào tạo để có đủ tri thức, nghiệp vụ và nâng cao tính chuyên nghiệp.

3. Tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả với các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đây vừa là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trước mắt vừa là nhiệm vụ có tính chiến lược lâu dài. Để làm tốt nhiệm vụ này, mỗi cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ tuyên giáo nói riêng phải thường xuyên rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ vững lập trường, quan điểm, trau dồi lý luận chính trị để có đủ năng lực thực hiện yêu cầu sắc bén, thuyết phục trong công tác tư tưởng. Phải luôn nâng cao tính chủ động, tính dự báo trong nắm bắt, phản ánh tình hình tư tưởng và dư luận xã hội, nhất là dư luận liên quan đến việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những vấn đề nóng, phức tạp phát sinh từ thực tiễn và cơ sở.

4. Cũng như mọi lĩnh vực khác, vấn đề mang tính quyết định để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tuyên giáo là vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tuyên giáo trong giai đoạn hiện nay ngoài việc phải đáp ứng những yêu cầu chung về tiêu chuẩn cán bộ, công chức của Đảng và Nhà nước cần thiết phải đặt ra yêu cầu bổ sung về nghiệp vụ, kỹ năng (như kỹ năng nói, kỹ năng viết, kỹ năng thuyết trình, báo cáo, giảng dạy...). Lĩnh vực tuyên giáo có phạm vi rộng, do đó đội ngũ cán bộ tuyên giáo cần phải có kiến thức sâu về một lĩnh vực nhưng cũng phải am hiểu về nhiều lĩnh vực khác, đồng thời phải sâu sát thực tiễn, nắm bắt được hơi thở của cuộc sống; tinh thông về nghiệp vụ, có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin thành thạo, biết nắm bắt và khai thác tốt không gian mạng phục vụ cho nhiệm vụ chuyên môn. Là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, mỗi cán bộ làm công tác tuyên giáo phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách, lối sống, đi đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tự hào với truyền thống vẻ vang trong 91 năm qua, ngành tuyên giáo Thừa Thiên Huế nguyện mãi mãi giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, nguyện cống hiến hết sức mình cùng với các lực lượng trong hệ thống chính trị, ra sức phấn đấu để cùng Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế anh hùng xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Hoàng Khánh Hùng
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.005
Truy cập hiện tại 336