Tham gia buổi làm việc có các ông: Cái Vĩnh Tuấn, UVTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Chí Tài, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Dung, Phó chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân và đại diện các tổ chức giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, sau khi Luật giám định tư pháp có hiệu lực từ ngày 01/01/2013, công tác quản lý Nhà nước về GĐTP trên địa bàn tỉnh đã từng bước được tăng cường. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp phát huy vai trò đầu mối tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý lĩnh vực GĐTP chuyên ngành. Việc củng cố, kiện toàn về tổ chức, đảm bảo điều kiện hoạt động cho các tổ chức GĐTP công lập được quan tâm.
Hiện tỉnh Thừa Thiên Huế có 2 tổ chức giám định tư pháp công lập Trung tâm pháp y tỉnh và Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh); giám định viên tư pháp trên địa bàn tỉnh có 55 người (17 giám định viên chuyên trách và 38 giám định viên kiêm nhiệm). Ngoài ra, còn có Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Miền Trung trực thuộc Bộ Y tế (thành lập năm 2015) thực hiện giám định pháp y tâm thần trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố (Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định).
Quá trình triển khai thực hiện Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, địa phương về vị trí, vai trò của công tác GĐTP. Trong gần 5 năm qua, (2013 - 2018), toàn tỉnh đã tiếp nhận và thực hiện trên hàng ngàn vụ việc, trong đó đa số các lĩnh vực GĐTP trên địa bàn tỉnh không có đơn khiếu nại, tố cáo.
Tuy nhiên, tỉnh đang gặp một số khó khăn như: Đội ngũ giám định viên của tỉnh còn thiếu; một số lĩnh vực như ngân hàng, cổ vật, bản quyền tác giả,… chưa có giám định viên. Việc triển khai thực hiện quy định về thành lập Văn phòng giám định tư pháp theo quy định của Luật giám định tư pháp trong thực tiễn rất khó thu hút các doanh nghiệp, chuyên gia có đủ điều kiện và năng lực. Còn thiếu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần.
Trên cơ sở thực tế triển khai tại địa bàn, UBND tỉnh đã kiến nghị và đề xuất một số vấn đề liên quan đến tổ chức thực hiện pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự. Trong đó, đề xuất cần sửa đổi, bổ sung Luật giám định tư pháp để phù hợp với thực tiễn hơn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung phát biểu tại buổi làm việc
Thay mặt đoàn giám sát, kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Luật đánh giá cao việc chấp hành tốt các quy định của Luật GĐTP của các cơ quan, ban, ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua. Để phục vụ tốt cho các cơ quan tố tụng khi đưa ra các quyết định đúng, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Văn Luật đề nghị, thời gian tới, các cơ quan GĐTP trên địa bàn tỉnh cần quan tâm về chất lượng trong tham gia hoạt động giám định tư pháp; đồng thời xây dựng quy chế phối hợp nhằm tạo điều kiện tốt trong việc hỗ trợ cho quá trình tố tụng, giúp cơ quan điều tra, truy tố, xét xử giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan, đúng người, đúng pháp luật. Về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh sẽ được tổng hợp gửi đến Quốc hội tại phiên họp sắp tới.