Lãnh đạo mang lại lợi ích thiết thực cho dân, sẽ làm cho dân tin Đảng, tin chế độ. Muốn mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, trước hết, Đảng phải có chủ trương, nghị quyết đúng đắn, phù hợp và có đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự là công bộc của dân.
Trong suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn tâm niệm 4 chữ “yêu nước, thương dân”. Nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ thể chân chính sáng tạo ra lịch sử, là động lực và là nguồn sức mạnh quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Nhân dân cũng là đối tượng phục vụ của cách mạng và cách mạng phải mang lại quyền lợi (quyền con người và quyền công dân, quyền được ăn no mặc ấm, được học hành, quyền hưởng hạnh phúc) cho nhân dân.
Tư tưởng trọng dân, gần dân, thân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, vì nhân dân quên mình, chăm lo đến lợi ích của dân là tư tưởng lớn, mang tính văn hóa, nhân văn, nhân đạo cao cả và tính cách mạng, tính nhân dân sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi Đảng ta được thành lập, Người luôn nhắc nhở: “Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: mình vào Đảng để làm đầy tớ cho nhân dân”. Khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, lãnh đạo toàn dân vừa kháng chiến vừa kiến quốc, dù ở đâu, làm gì, Người cũng tâm niệm: “Đảng ta là Đảng cách mạng. Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”, “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân”.
Người luôn chỉ rõ cho mọi người thấy và hiểu rõ vấn đề cốt lõi của đạo đức cách mạng: Việc gì lợi cho dân phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân phải hết sức tránh. Khi đã là người đứng đầu Nhà nước, trong tác phẩm Dân vận nổi tiếng viết năm 1949, Người khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, “Mọi công việc đều vì lợi ích của dân mà làm”, “Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Cả cuộc đời cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tâm niệm độc lập cho đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Người cho rằng vấn đề quan trọng bậc nhất là mang lại lợi ích thiết thực và chính đáng cho nhân dân. Theo Người, lãnh đạo mang lại lợi ích thiết thực cho dân, sẽ làm cho dân tin Đảng, tin chế độ. Muốn mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, trước hết, Đảng phải có chủ trương, nghị quyết đúng đắn, phù hợp và có đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự là công bộc của dân. Cho đến trước khi đi xa, Người cũng không quên căn dặn trong Di chúc: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Thước đo lòng dân đối với Đảng chính là ở chỗ các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đáp ứng được mong mỏi, lợi ích chính đáng của người dân và ở sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vì vậy, việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về dân vận trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi Đảng, Nhà nước cần ban hành và thực thi những chủ trương, chính sách đáp ứng nguyện vọng, mong muốn, lợi ích chính đáng của người dân.
Muốn vậy, phải tạo điều kiện thuận lợi để nhân sĩ, trí thức, các nhà khoa học, MTTQ, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân tham gia vào quá trình đóng góp xây dựng và hoạch định chính sách. Cùng đó là việc mở rộng dân chủ trực tiếp và cả gián tiếp để nhân dân tham gia đóng góp xây dựng đất nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai minh bạch, đưa ra bàn bạc, lấy ý kiến nhân dân trong quá trình thực hiện quy hoạch, giải tỏa, bồi thường, tái định cư; công khai các việc triển khai các dự án lớn có tác động đến đông đảo người dân. Đồng thời, công khai minh bạch các thủ tục, hồ sơ, giấy tờ có liên quan đến người dân…